“Đấu võ mồm”, “Cắt lúa ruộng đối phương” – Ai bảo trận đấu của Samurai lúc nào cũng chính trực?

Nhắc đến Samurai, mọi người sẽ liên tưởng đến những kiếm sĩ đầy nam tính, với tinh thần chiến đấu hết mình, thà tử trận chứ không mang nhục. 

Hình ảnh đó đã được lan truyền rộng rãi toàn thế giới, nhưng thực tế, họ sẽ không dễ dàng đặt cược mạng sống của mình vào một trận chiến sinh tử. 

Samurai không đơn giản như người ta nghĩ, họ có cách chiến đấu tỉnh táo và hiệu quả hơn nhiều. 

Kẻ thù của Samurai cũng mang quyết tâm chiến đấu mãnh liệt, nếu hai bên va chạm, chắc chắn sẽ có người phải chết. Để vừa thực hiện được mục đích, vừa tránh được tổn thất, Samurai có rất nhiều chiến thuật khác nhau. 

Đấu chữ (Kotoba Tatakai – 言葉戦い)

Ảnh https://mag.japaaan.com/archives/150952

Đánh nhau bằng lời nói, đúng vậy, hiểu đơn giản là “chửi nhau” với người kia, giống cách giải quyết của học sinh tiểu học nhỉ?

Con người ai cũng có những điểm yếu và khuyết điểm không muốn bị người khác phát hiện. Nếu bị chỉ ra những điểm này, chắc chắn người đó sẽ tức giận.

Nếu tức giận, kẻ thù sẽ không thể đưa ra quyết định bình tĩnh và gặp bất lợi trong cuộc chiến.

Bức tranh ở trên mô tả cuộc chiến “võ mồm” của các Samurai trong thực tế.

Nhìn có vẻ dễ thương nhưng thực chất lại đáng sợ vì phe này có thể điên tiết lên khi nghe đối thủ phản công bằng lời lẽ khiêu khích. 

Cắt ruộng, nương rẫy của địch (刈り働き- Karibataraki)

Chiến thuật vô cùng đơn giản nhưng sẽ khiến bên kia lâm vào tình trạng thiếu lương thực và phe ta lại có thêm nhiều lương thực hơn. Không ăn thì sẽ không thể chiến đấu – vì vậy chiến thuật này khiến phe địch tổn thất rất lớn về mặt tài chính. 

Có vẻ như tỷ lệ thành công của chiến thuật này sẽ cao vì Samurai phe địch có đông đến đâu cũng không thể bảo vệ toàn bộ lãnh thổ của mình được. Nhưng…khá là “bẩn” nhỉ. 

Đốt phá (焼き働き – Yakibataraki)

Sử dụng chiến thuật phóng hỏa, đốt phá. 

Mục tiêu đốt phá có thể là sở chỉ huy hoặc những nơi liên quan đến quân của phe địch, thậm chí nhà riêng, ruộng lúa… của quân địch. Khi tất cả tan thành khói bụi, phe địch sẽ chỉ còn tay trắng, không tích góp được chút gì. 

Nhưng nếu không cẩn thận quan sát hướng gió, đám cháy có thể lan sang bên phe mình, vậy là “gậy ông đập lưng ông”.

Tagaeshi – 田返し

Chiến thuật Tagaeshi: Cày bừa, phá phách ruộng lúa sắp đến mùa thu hoạch của phe địch. Một chiến thuật đơn giản nhưng quỷ quyệt.

Cứ tưởng tượng ruộng lúa vừa được vất vả gieo cấy, chuẩn bị đến mùa thu hoạch thì lại bị phá tơi bời…

Hay là bỏ nghề Samurai và trở thành một nông dân có phải tốt hơn không?

Randori – 乱捕

Randori là xâm nhập vào lãnh thổ của kẻ địch và quậy phá hết mức có thể, như cướp bóc tiền của, gia súc, bắt cóc phụ nữ và trẻ em…. Thật kinh khủng nhỉ. Không ai muốn tưởng tượng đến hình ảnh Samurai làm những việc này, nhưng có lẽ một Samurai bị dồn đến đường cùng sẽ buộc phải hành động như vậy.

Injiuchi (印字打ち)

Injiuchi nói một cách đơn giản là ném đá vào đối thủ. Phản ứng giống như một thằng nhóc tức giận vừa cãi nhau với mẹ xong vậy. Nếu bị ném vào chỗ chí mạng, một người có thể bị gãy xương, mù mắt và thậm chí là tử vong. 

Có thật là họ đã đánh nhau kiểu này không? – Bạn có lẽ tự hỏi như vậy. Nhưng có một giả thiết cho rằng, 11% thương vong trong thời Chiến quốc đến từ việc ném đá. Có lẽ trước khi rút kiếm ra chiến đấu thì họ sẽ ném đá. 

Samurai luôn hiện lên với một hình ảnh rất “ngầu” và chính trực, nhưng nhìn vào bối cảnh của họ, khi phải đối mặt với những cuộc chiến đe dọa đến tính mạng, có lẽ những cách chơi “không được đẹp cho lắm” ở trên là có thật.

Kengo Abe
Xem thêm: