Được trả thêm 40 triệu Yên để nghỉ hưu sớm, tại sao người đàn ông này vẫn hối hận?
Nhật Bản là quốc gia có văn hoá làm việc dựa trên chế độ làm việc trọn đời và chế độ thâm niên.
Một cuộc sống tiêu chuẩn của người Nhật được định hình như sau. Sau khi tốt nghiệp, không dành thời gian nghỉ ngơi mà đi xin việc ngay. Làm việc cho một công ty cho đến năm 60 tuổi rồi nghỉ hưu.
Người Nhật có suy nghĩ khá tiêu cực về việc chuyển việc giữa chừng. Sở dĩ vậy là vì Nhật Bản có chế độ trợ cấp thôi việc (theo ý muốn của công ty) và lương hưu rất tốt, từ đó mà nền kinh tế ngày càng phát triển.
Khi thôi việc, chỉ với lương hưu cũng đủ sống dư dả. Thêm khoản trợ cấp thôi việc nữa, hai vợ chồng sẽ cùng nhau chuyển đến sống tại một bãi biển xinh đẹp. Đã từng có thời, một giấc mơ như vậy chắc chắn sẽ trở thành hiện thực. Thế nhưng thời đại bây giờ đã khác, kéo theo những thay đổi đột ngột.
Khi kinh tế Nhật Bản ở vào thời kỳ phồn vinh, nhiều doanh nghiệp hướng tới mục đích tăng trưởng. Họ liên tục tăng số lượng nhân viên cũng như mở rộng doanh nghiệp.
Tuy nhiên, sau một thời gian kể từ cuộc suy thoái kinh tế, các nhân viên được thuê vào thời kỳ này trở nên thừa thãi. Với chế độ thâm niên của Nhật, người có tuổi càng cao sẽ được đánh giá tốt hơn, vì họ có nhiều kinh nghiệm làm việc hơn. Lẽ đương nhiên lương bổng sẽ tỷ lệ thuận với tuổi tác. Đa số những người này nhận việc từ thời kinh tế bong bóng, đến bây giờ, ứng với độ tuổi của họ, lương sẽ rất cao. Chừng nào các nhân viên “lão làng” này chưa về hưu, sẽ không có đủ ngân sách để thuê nhân viên mới.
Ngày càng có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản rơi vào trường hợp này và đang phải đối mặt với vấn đề làm sao để nhân viên của họ đồng ý về hưu sớm.
Đa số các doanh nghiệp Nhật Bản quy định tuổi về hưu là 60 hoặc 65 tuổi. Hiện tại nhiều doanh nghiệp hướng tới việc cho nhân viên về hưu sớm để thuê người mới, đồng thời cắt giảm chi phí thuê mướn lao động.
Nhân vật chính của câu chuyện lần này, tạm gọi là anh A làm việc cho một doanh nghiệp như vậy. Anh được trả thêm 40 triệu Yên để về hưu sớm.
Ảnh Yahoo News
Anh A là giám đốc bán hàng cho một nhà sản xuất lớn. Năm 55 tuổi, công ty nói với anh rằng sẽ trả thêm 40 triệu Yên trong trợ cấp thôi việc để anh có thể về hưu sớm. Vì mới 55 tuổi, anh A vẫn còn rất khoẻ mạnh. Anh nhờ dịch vụ giới thiệu việc làm để được tái tuyển dụng với vai trò giám đốc cho một công ty thương mại vừa và nhỏ. Thu nhập hằng năm của anh vốn là 13 triệu Yên giảm xuống còn 7 triệu Yên. Thế nhưng vì anh cũng được nhận khoản lớn trợ cấp thôi việc nên không gặp bất kỳ vấn đề gì liên quan đến tài chính.
Thế nhưng điều làm anh khổ não chính là sự khác biệt lớn trong môi trường làm việc.
Vì là doanh nghiệp vừa và nhỏ, anh không thể làm việc thoải mái theo ý mình. Tại doanh nghiệp lớn đương nhiên sẽ được hưởng chế độ đào tạo nhân viên, phân công lao động cũng rất rõ ràng, điều không thể tìm thấy ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Vì đã quen với môi trường tập đoàn chuyên nghiệp, anh A cảm thấy vô cùng bối rối trong môi trường mới.
Kết quả, anh A bị cấp dưới và những nhân viên ít tuổi hơn xem thường, bị nói xấu sau lưng rằng “có một ông chú không biết làm việc mới vào công ty kìa”.
Nhiều người cho rằng nếu anh A cố gắng làm quen sẽ không thành vấn đề, thế nhưng rất nhiều nhân viên từ các doanh nghiệp lớn cũng rơi vào tình trạng giống A. Cái gì cũng được chuẩn bị trước, công việc cũng được phân công rõ ràng, nếu không có sẵn sẽ không thể làm việc. Nhiều người muốn thay đổi, nhưng không thể thay đổi được vì đã quen với cách làm việc như vậy.
Trước kia khi tôi còn làm cho một công ty khởi nghiệp chuyên về IT ở Shibuya, có một người làm cho công ty viễn thông quy mô lớn nhất nước đã đến phỏng vấn đổi việc. Tại công ty trước người này làm trưởng bộ phận, tập đoàn này rất hùng mạnh với 300,000 nhân viên. Công ty của tôi chỉ có khoảng 50 nhân viên, không chỉ chênh lệch về nhân lực mà cách làm việc cũng hoàn toàn khác nhau.
Khi tôi đặt câu hỏi cho người này rằng “Bạn có thể làm được gì? Điều gì mà bạn làm tốt?”
Anh ta trả lời dõng dạc rằng “điều phối nội bộ công ty”.
Tôi đã rất ngạc nhiên với câu trả lời này.
Chỉ có 50 người trong công ty này thôi, tôi và ngài giám đốc luôn thảo luận với nhau để quyết định mọi thứ, do đó mà hiện tại chúng tôi không cần bất cứ cuộc điều chỉnh nội bộ nào cả. Hơn nữa, anh đâu có quen ai trong công ty này, đúng không?
Tôi bảo anh ấy rằng “Nhưng nếu đề xuất điều phối của anh không thể được thực hiện thì sao?” – Anh ấy không nói gì thêm nữa.
Khi đó tôi 32 tuổi, còn người này đã 45. Tôi nghĩ rằng anh ấy cũng rơi vào trường hợp bị cho nghỉ hưu sớm.
Có một tình trạng chung rằng những nhân viên làm việc cho tập đoàn lớn, được đào tạo đặc biệt cho mục đích sử dụng ở đó, rất khó để phát huy năng lực ở những nơi khác.
Với vấn đề này, tôi nghĩ rằng đó không chỉ là trách nhiệm của cá nhân, mà còn là trách nhiệm của tập đoàn.
Các bạn nghĩ sao?
Kengo Abe