Tìm hiểu triết lý kinh doanh của tập đoàn trả lương cho nhân viên cao nhất Nhật Bản
Nếu nhờ mọi người ở đây kể tên các công ty niêm yết của Nhật Bản, bạn sẽ nghĩ ra những cái tên nào? Hẳn trong đầu nhiều người sẽ bật ra những thương hiệu lớn như TOYOTA, HONDA, Panasonic, SONY, YAMAHA.
Trong bài viết này, JAPO muốn giới thiệu đến các bạn một tập đoàn hàng đầu Nhật Bản nhưng không phải ai cũng biết tên. Đó là KEYENCE. Đây là tập đoàn có thu nhập bình quân năm của nhân viên cao nhất trong số các công ty niêm yết ở Nhật Bản, thế nhưng cũng không hiếm người Nhật chưa từng nghe về cái tên này.
Có khoảng 4 triệu doanh nghiệp ở Nhật Bản, tuy nhiên chỉ 3500 doanh nghiệp, chiếm 0,01% chào bán cổ phiếu ra công chúng.
Trước kia khi còn làm ở công ty cũ, tôi cũng tham gia quá trình chuẩn bị cho công ty để lên sàn chứng khoán. Để được niêm yết, tất cả các khâu liên quan đến doanh nghiệp từ tài chính, doanh thu, tuyển dụng, vấn đề pháp lý đều phải thật vững chắc.
Vì vậy ở một khía cạnh nào đó, không quá lời khi nói 3500 công ty niêm yết này là đại biểu cho những doanh nghiệp thành công hàng đầu Nhật Bản. Tất nhiên có những doanh nghiệp vô cùng thành công nhưng không lên sàn, do đó không thể nói là tất cả.
Trong số các doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản, Công ty TNHH KEYENCE tự hào đứng đầu về mức lương trung bình hàng năm của nhân viên.
Doanh nghiệp này tập trung sản xuất và bán các máy móc thiết bị điều khiển tự động. Thu nhập bình quân của nhân viên là 15,232 triệu Yên. Có sự chênh lệch rõ ràng trong con số này với doanh nghiệp đứng ở vị trí thứ 2 là Nomura Holdings, 13,774 triệu Yên.
Nhìn vào mức thu nhập trọn đời của nhân viên, con số này là 561,64 triệu Yên. Ở vị trí thứ hai là Nippon Television Holdings với con số 505,05 Yên.
Để dễ so sánh, thu nhập bình quân của một nhân viên văn phòng Nhật Bản là khoảng 200 triệu Yên, ít hơn 2,5 lần.
Sở dĩ công ty này không được nhiều người biết đến là bởi họ loại bỏ triệt để các khâu vô ích. Sản phẩm của công ty không hướng tới người tiêu dùng phổ thông, do đó tên thương hiệu không xuất hiện trên các phương tiện PR quảng cáo. Công ty chỉ tung ra độc nhất một quảng cáo vào mùa săn việc làm. Thay vì gặp gỡ nhiều ứng viên, họ muốn tìm kiếm những người có thực lực.
Nhiều doanh nghiệp thành công bán câu chuyện kinh doanh của mình dưới dạng sách chiến lược, bí quyết, cơ cấu tổ chức. KEYENCE không làm điều này. Chủ tịch công ty hầu như không xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. Doanh nghiệp này được bao bọc trong một bức màn bí ẩn.
Kết quả của việc loại bỏ các khâu vô ích là dù công ty không được bên ngoài biết đến, thế nhưng họ cũng không có khoản chi tiêu nào là lãng phí.
Thế nhưng không PR làm sao bán được hàng? Về mặt này, chiến lược sản xuất sản phẩm của KEYENCE là nhất quán.
“Chúng tôi chỉ tiếp tục tạo ra những thứ không có trên thế giới này
Cung cấp chúng một cách hiệu quả cho những khách hàng cần nó”
Từ quy tắc này, KEYENCE chuyên cung cấp những sản phẩm đạt các danh hiệu “đầu tiên trên thế giới”, “hàng đầu thế giới”, “nhỏ nhất thế giới”. Ngay từ giai đoạn đầu phát triển, công ty đã nhắm tới các mục tiêu này. Những sản phẩm với các mô tả đi kèm như vậy rất dễ bán.
Thêm nữa, một từ khoá quan trọng khác nằm trong chiến lược Makerting của doanh nghiệp là “khả năng tái sản xuất”. Một khi đã chốt đơn hàng, khách hàng chắc chắn phải là người làm cùng ngành, trong một xưởng sản xuất tương tự và có cùng nhu cầu với bên cung. Với mỗi một sản phẩm bán được, feedback của khách hàng sẽ được truyền một cách triệt để đến các nhân viên, từ đó các nhân viên sẽ “tái sản xuất” sản phẩm đó cho nhiều khách hàng khác. Rất khó để bán một sản phẩm hoàn toàn mới, do đó ý tưởng của họ là tận dụng một cách khôn ngoan các sản phẩm đã thành công.
Để tóm tắt bí quyết thành công của doanh nghiệp, có thể tóm trong 2 ý chính
– Chỉ sản xuất những sản phẩm mà công ty khác không có
– Tái sản xuất những sản phẩm thành công một cách kỹ lưỡng
Gửi đến những ai đang là chủ doanh nghiệp, hoặc đang có ý định kinh doanh độc lập. Quy luật thành công của Keyence rất đơn giản, gọn gàng, không hề có bất kỳ lãng phí nào.
Nhưng liệu chúng ta có thể học hỏi không?
Kengo Abe