Liệu tương lai của Nissan sẽ đi về đâu khi cắt giảm mạnh hoạt động kinh doanh?

Liu tương lai ca Nissan s đi v đâu khi ct gim mnh hot động kinh doanh?

 

 

Nissan từng được coi là một trong ba doanh nghiệp hàng đầu có đóng góp to lớn trong ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản. Tuy nhiên, hiện tại tập đoàn này đang rơi vào tình thế vô cùng khó khăn.

Từng sở hữu một dòng xe thể thao hiệu suất cao là Nissan GT-R, hay còn được gọi tắt là GT-R được biết đến với biệt danh “Godzilla” và nổi tiếng với khả năng vận hành mạnh mẽ, thiết kế thể thao và công nghệ tiên tiến, vậy thì tại sao Nissan lại tuột dốc không phanh như vậy?

 

Tái cấu trúc, trì hoãn thanh toán

Không chỉ ở riêng Nhật Bản, Nissan còn có các cơ sở sản xuất tại các quốc gia khác trên thế giới. Trong tổng số đó, có 10 cơ sở được đưa vào dự án tái cấu trúc, và lượng nhân công bị sa thải lên đến con số 20.000 người. Đồng thời, Nissan cũng đang cân nhắc đóng cửa hai cơ sở tại nội địa Nhật Bản.

 

Được biết, tổng số nhân công của Nissan khoảng 130.000 người, như vậy con số 20.000 chiếm khoảng 15% trong số đó.

Khi mô hình kinh doanh của một doanh nghiệp thay đổi, việc tái cấu trúc này hoàn toàn có khả năng xảy ra.

 

Lấy ví dụ như trong ngành công nghệ thông tin, giai đoạn đầu thì cần nguồn nhân lực dồi dào, và khi bắt đầu giai đoạn vận hành thì nhân sự thường bị cắt giảm. Nhưng trong ngành sản xuất, người ta thường cho rằng việc cắt giảm nhân sự sẽ đi đôi với việc thu nhỏ quy mô.

 

Ngoài ra, có tin tức cho biết Nissan đã yêu cầu thỏa thuận trì hoãn thanh toán với nhiều nhà cung cấp phụ tùng cho mình.

Có thể nhiều nhà cung cấp sẽ sẵn sàng chấp nhận trì hoãn nếu Nissan đặt cược lớn vào tăng trưởng trong tương lai, nhưng trong tình hình hiện tại, việc Nissan gặp khó khăn về tài chính đã có thể nhìn thấy ngay trước mắt, các nhà cung cấp lo lắng rằng nếu đồng ý trì hoãn cho Nissan, họ sẽ dễ nhận lấy rủi ro đối với các khoản thanh toán này về sau.

 

Nếu theo hướng này, việc các nhà cung cấp không tiếp tục hợp tác với Nissan trong tương lai là điều khó tránh khỏi.

 

Về phía các hãng cạnh tranh

Khác với Nissan, Honda có đầy đủ năng lực tài chính để tiến hành nghiên cứu về phóng tên lửa và Toyota cũng đang có những bước tiến đầy hứa hẹn.

Để ứng phó với vấn đề thuế quan của Hoa Kỳ, Toyota đang có lập trường cứng rắn bằng cách rút khỏi Hoa Kỳ và hợp tác với Canada. Tin tức về Toyota đủ sức làm rung chuyển thế giới, và đà tăng trưởng không ngừng của hãng này thực sự đáng kinh ngạc.

Đều là những hãng từng có doanh số bán xe tương đương như nhau, nhưng hiện nay chỉ có Nissan là rơi vào tình thế khó khăn, nên không thể đổ lỗi cho ngành công nghiệp này được.

 

Nguyên nhân dẫn đến khó khăn

Cơ sở sản xuất quá mức vượt xa nhu cầu. Tất nhiên, điều này sẽ phát sinh chi phí và việc hạ giá bán xe trở nên bất khả thi.

Về vấn đề này, Toyota khá giỏi trong việc kiểm soát và có đủ khả năng tung ra một loạt các sản phẩm chất lượng cao đi kèm giá thành thấp, cũng như các loại xe thông dụng và xe hạng sang.

Từ ban đầu, hệ thống sản xuất của Toyota vốn đã được xây dựng với mục tiêu tiết kiệm chi phí, vì vậy tôi cho rằng đây chính là điều tạo nên sự khác biệt.

 

Những người nắm giữ vị trí cấp cao trong Nissan có mức lương khá cao, mặc dù đã cắt giảm nhưng vẫn nằm ở mức cao hơn so với các thành viên ban lãnh đạo cùng cấp của Toyota.

Nếu biết được điều này thì liệu những nhân viên đang trong tình trạng không biết khi nào mình sẽ bị sa thải có thể chấp nhận được sự thật này không?

 

Cũng có người cho rằng lối suy nghĩ của ban quản lý Nissan đã trở nên lỗi thời và không thể theo kịp thời đại. Phải chăng chính vì lý do này, họ đã không thể đạt được thành quả trong các bước tiến mới tương tự như Honda.

Giờ đây khi tình hình đã trở nên khó khăn hơn, mọi quyết định được đưa ra đều đã quá muộn.

 

Quá trình phát triển ô tô rất tốn kém, vì vậy trong tình hình hiện tại, việc tung ra một dòng xe mới có thể thu hút là cả một vấn đề nan giải đối với Nissan.

Tuy nhiên, từng là một trong những công ty đã hỗ trợ nền kinh tế Nhật Bản, nên cũng có thể Nissan sẽ có thể nhận được nguồn hỗ trợ từ đâu đó, bao gồm cả chính phủ hoặc ngân hàng.

Nhưng có một điều chắc chắn rằng nếu Nissan không thực hiện các cải cách lớn để tự mình vực dậy, thì cho dù có nhận được sự hỗ trợ hay giúp đỡ, quá khứ vẫn có thể lặp lại một lần nữa.

Được biết phía chính phủ Nhật Bản cũng đã chủ đạo đưa ra những cuộc thảo luận về việc sáp nhập với Honda, nhưng Honda đã từ chối sự sáp nhập này.

 

 

Không riêng với bất kỳ doanh nghiệp nào, nếu cứ giữ nguyên lối suy nghĩ cũ mà không đổi mới để bắt kịp thời đại, điều tương tự cũng có thể xảy ra với chính doanh nghiệp của chúng ta vào một lúc nào đó.

Một doanh nghiệp cũng giống như một sinh vật sống, nếu không có khả năng thích ứng linh hoạt với tình hình, thì khó có thể tồn tại trong thế giới tương lai.

 

 

Tác giả: Abe Kengo

Biên dịch: Maeri Phương Kỳ

Xem thêm: