“Doanh nghiệp đen” ở Nhật là gì?
Bạn có biết “doanh nghiệp đen” ở Nhật là như thế nào không? Tại sao lại gọi là “doanh nghiệp đen”?
Hôm nay tôi xin giới thiệu sơ qua về thuật ngữ này.
Doanh nghiệp đen tên tiếng Nhật là “Burakku Kigyou” (ブラック企業), nó không phải là tên của một công ty cụ thể nào cả, mà nó nói đến khía cạnh về môi trường làm việc khắc nghiệt, phúc lợi kém ở công ty đó.
Trái lại với doanh nghiệp đen là doanh nghiệp trắng, tiếng Nhật gọi là ホワイト企業 , chúng tôi sẽ giải thích ở bài viết sau.
Ở những doanh nghiệp đen người ta không tuân thủ bất cứ một luật lệ lao động nào cả, nhiều khi phải nói là “vô đạo đức”, bóc lột sức lao động, vi phạm quyền cơ bản của con người. Doanh nghiệp đen không để ý đến sức khỏe, điều kiện làm việc, môi trường làm việc, chỉ chăm lo vào lợi nhuận của họ.
Áp lực công việc cao, tăng ca không được tính thêm tiền lương, những ngày nghỉ, ngày lễ vẫn phải đi làm bình thường, không đóng bảo hiểm cho nhân viên… đó là những dấu hiệu nói lên đó là một doanh nghiệp đen.
Có người khi làm việc tại những doanh nghiệp này, chịu đựng không được áp lực từ cấp trên, từ công việc nên đã nghĩ đến biện pháp giải thoát bằng cách tự tử.
Ở Việt Nam, việc nghỉ làm ở một công ty rồi xin một chỗ mới rất đơn giản, nhưng ở Nhật lại không như vậy, do bản tính con người Nhật sinh ra đã có máu trung thành, đã làm việc ở đâu là sẽ làm ở đó cho đến già, như vậy nếu lỡ vào phải một doanh nghiệp đen, thì họ sẽ chịu làm việc trong một môi trường khắc nghiệt.
Dấu hiệu để bạn có thể nhận biết được một doanh nghiệp đen
- Các thông báo không được truyền đi dưới dạng văn bản ( qua điện thoại hoặc nói bằng miệng).
- Sau khi được tuyển dụng vào làm việc thì không có hợp đồng lao động rõ ràng.
- Thời gian thử việc dài.
- Số năm làm việc trung bình của nhân viên ngắn.
- Việc làm thực tế khác so với nội dung quảng cáo tuyển dụng.
- Không có chương trình đào tạo nhân viên mới.
- Đội ngũ quản lý không có kỹ năng.
- Lạm dụng, quấy rối tình dục, bắt nạt tại nơi làm việc.
- Không phân biệt giữa công việc và chuyện cá nhân.
- Làm tăng ca không tính tiền.
- Không đóng bảo hiểm cho nhân viên.
Tưởng chừng như Nhật Bản là đất nước phát triển, cách cư xử cũng văn minh tương xứng, tuy nhiên vẫn còn tồn tại không ít những doanh nghiệp đen như vừa kể trên, người lao động Nhật là những người chịu ảnh hưởng trực tiếp, trong đó có cả những người Việt đang và sẽ làm việc tại Nhật.
Vậy nên bạn nào đang có ý định làm việc ở Nhật chú ý nhé, đừng để mình bị rơi vào doanh nghiệp như vậy.
Takahashi
Kinh nghiệm cần thiết khi phỏng vấn với công ty Nhật Bản