Trong mắt người Nhật, người thông minh là người như thế nào?
Cho dù là người Nhật hay người Việt Nam thì khi gặp mặt tiếp xúc với một người, ít nhiều trong tâm trí bạn sẽ có những nhân xét về người đó, chẳng hạn như sôi nổi, hoạt bát, trầm tính, thẳng thắng… Nhưng dựa trên những điều kiện gì để đưa ra những nhận xét ấy?
“Anh ấy thật là tài năng”, “Cô ấy thật thông minh”… Có lẽ các bạn đã được nghe nhiều những câu nhận xét như thế trong cuộc sống hàng ngày, bạn có biết trong mắt người Nhật, thế nào là một người thông minh và có thể làm được việc? Đơn giản thôi, đó là một người “dẻo miệng”.
Có thể nhiều người sẽ nghĩ “dẻo miệng” là một người ba hoa, nói nhiều, nịnh hót… Nhưng vấn đề tôi đang nói đến ở đây là “một người thông minh, làm được việc”, hay nói chính xác hơn là một người biết trình bày cũng như giải thích vấn đề.
Nói thì đơn giản nhưng điều này không phải ai cũng có thể làm được. Nếu bạn là lãnh đạo của một công ty hoặc cơ quan, nhưng lại không có khả năng này thì làm thế nào để quản lý cấp dưới của mình? Hoặc làm thế nào để bán được sản phẩm và thuyết phục đối tác tin tưởng để ký hợp đồng với mình?
Tôi sẽ đi sâu hơn về cách đánh giá thế nào là một người có thể trình bày và giải thích vấn đề, hy vọng sẽ giúp ích được cho bạn.
1. Giải thích đến đâu thì được cho là đủ?
Trình bày cũng như giải thích cặn kẽ đầy đủ 100% từng chi tiết ư? Không, điều đó là không cần thiết.
Chẳng hạn như, bạn là một nhà kinh doanh bất động sản và bạn muốn bán một căn hộ, vậy thì bạn có cần phải cung cấp cho người mua những thông tin như tên, tuổi, quê quán… của những người dân sống xung quanh căn hộ ấy không?, những thông tin dư thừa ấy chỉ làm cho đối phương cảm thấy rắc rối, bất an và kông cần thiết. Bạn cần đặt mình vào hoàn cảnh của người nghe trong các cuộc nói chuyện để hiểu được tâm lý của người đối diện.
Trước khi tiếp xúc với ai đó, hoặc nói về một câu chuyện gì, thì một điều rất quan trọng là bạn phải tìm hiểu nhu cầu, cũng như chuẩn bị và sắp xếp nội dung cho cuộc nói chuyện, thông tin càng đầy đủ thì khả năng thành công trong việc thuyết phục đối phương càng cao.
2. Cách dùng từ ngữ để giải thích
Khi giải thích một câu chuyện hoặc một vấn đề, bạn nên dùng những từ ngữ sao cho người nghe dễ hiểu nhất, vấn đề sử dụng các thuật ngữ thuộc lĩnh vực chuyên môn gây khó hiểu, thường gặp phải trong môi trường làm việc của ghành kỹ thuật và công nghệ thông tin. Trong các hợp này, bạn nên giải thích kèm những ví dụ và minh chứng cụ thể, để người nghe có thể hiểu vấn đề một cách rõ ràng mà không phải mất quá nhiều thời gian.
3. Nhìn vào nét mặt người đối diện
Những biểu hiện ở nét mặt sẽ biểu hiện được người nghe có thực sự quan tâm hoặc hiểu vấn đề mà bạn đang đề cập đến hay không. Nếu bạn cứ nói một câu chuyện “thao thao bất tuyệt” mà không để ý đến những người xung quanh thì chẳng khác nào một cỗ máy. Vì thế, bạn hãy vừa giải thích vừa nhìn vào nét mặt của người nghe xem họ có thật sự hiểu, hay có điều gì thắc mắc hay không?, nếu cảm thấy đối phương chưa nắm rõ, bạn nên xác nhận lại thông tin và giải thích chi tiết hơn. Điều đó sẽ giúp cho người đối diện đặt niềm tin vào bạn nhiều hơn.
Đây cũng là một nghệ thuật trong cách giao tiếp của người Nhật, nếu bạn nắm được và có thể áp dụng chúng vào cuộc sống, công việc, thì giá trị bản thân của bạn sẽ được nâng lên rất cao trong con mắt của người Nhật đấy.
Có thể ban đầu hơi khó khăn, nhưng khi quen với cách ứng xử này các bạn sẽ thấy nó rất thú vị và tôi tin tất cả mọi người sẽ làm được nếu cố gắng.
Chúc các bạn thành công nhé “những con người thông minh”!
Kengo Abe
Người Nhật và cách “nhìn người” qua nhóm máu