Mâu thuẫn khó giải thích trong định nghĩa “đúng giờ” của người Nhật.

Bạn đã nghe rất nhiều câu chuyện về sự đúng giờ của người Nhật. Tàu ở Nhật luôn đến đúng giờ, những cuộc họp bao giờ cũng bắt đầu trùng với giờ dự kiến. Người Nhật rất nghiêm khắc trong vấn đề thời gian, họ sẽ không chấp nhận được hành vi không tuân thủ giờ giấc. Thậm chí từng xảy ra vụ nhân viên nhà ga nhảy ra đường tàu tự tử vì tàu đến trễ.

Đối với người Việt Nam chúng ta, nổi tiếng với văn hóa “giờ dây thun”, đây được xem là một lỗ hỏng khiến chúng ta cảm thấy khó hòa nhập.

Thế nhưng, người Nhật cũng có lúc không đúng giờ đấy.

Đó là họ chẳng bao giờ chịu về “đúng giờ”.

Mâu thuẫn ở đây là nếu bạn đến sớm hơn giờ quy định, chẳng ai khen bạn. Nhưng nếu bạn về đúng giờ, người Nhật sẽ đánh giá bạn là không có ý chí làm việc. Đặc biệt, bạn sẽ chẳng được trả đồng lương nào kể cả khi có làm thêm giờ.

Bạn có thắc mắc tại sao lại như thế không?

Một số nơi ở Nhật áp dụng đồng thời hai chế độ giờ làm việc, gọi là Flextime (giờ linh hoạt) và Core time (giờ cố định).

Trong đó Flextime, theo đúng như tên gọi của nó là chế độ làm việc linh hoạt, người lao động được quyền chọn thời gian làm việc cho mình, trừ thời gian làm việc cố định bắt buộc. Thông thường khoảng thời gian này rơi vào lúc bắt đầu và kết thúc công việc. Đây là chế độ vừa mới được người Nhật áp dụng trong thời gian gần đây để cải thiện sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống hằng ngày cho nhân viên.

Trong khi đó Core time chính là thời gian tối thiểu mà người lao động phải có mặt và làm việc tại công ty.

Ví dụ, hãy nhìn vào thời gian biểu sau:

Theo như hình trên, người lao động buộc phải làm việc vào khoảng thời gian từ 10 giờ trưa đến 4 giờ chiều. Có 2 khoảng thời gian họ được phép linh động là từ 7 giờ sáng đến 10 giờ trưa và từ 4 giờ chiều đến 9 giờ tối. Giờ nghỉ trưa rơi vào khoảng 12 giờ trưa đến 1 giờ chiều.

Nghe có vẻ hợp lí đúng không? Thay vì phải làm việc liên tục từ 7 giờ sáng đến 4 giờ chiều, bạn có 2 khoảng thời gian linh hoạt khá dài để quyết định xem nên làm việc hay lo những chuyện riêng.

Vậy mâu thuẫn nằm ở đâu?

Ngoài giờ làm bắt buộc, khoảng thời gian linh hoạt những tưởng “tốt đẹp” ấy lại chính là vấn đề.

Linh hoạt có nghĩa là bạn được phép lựa chọn thời gian làm việc cho mình, cũng có nghĩa là người khác sẽ nhìn thấy được mức độ chăm chỉ của bạn thông qua thời gian làm việc mà bạn lựa chọn. Và cũng có nghĩa là bạn phải chọn lựa hết sức cẩn thận.

Đa số người Nhật cảm thấy không thoải mái với việc kết thúc công việc và ra về sớm. “Sớm” ở đây là khi sếp còn ở lại làm việc mà bạn đã ra về, chứ không liên quan gì đến thời gian kết thúc công việc.

Bởi vì so với việc làm nhiều hơn số giờ quy định, họ sợ đánh mất lòng tin của sếp, và đặc biệt, sợ công việc được giao không hoàn thành kịp tiến độ nhiều hơn. Người Nhật đánh giá công việc dựa trên kết quả chứ không phải quá trình. Nếu bạn đã lựa chọn làm thêm giờ để hoàn thành công việc được giao, đương nhiên bạn sẽ không được trả thêm tiền.

Thỉnh thoảng, nguyên nhân đến từ những người quản lý. Thời gian linh hoạt sẽ không thể phát huy tác dụng nếu những người này vẫn đánh giá cao thời gian làm việc dài hơn hiệu suất công việc. Như đã nói ở trên, chẳng ai đánh giá cao một người bỏ về sớm hơn trước mọi người. Một phần có lẽ cũng vì lối sống tập thể của người Nhật.

Nếu ở Mỹ, một bữa tiệc Pizza có nghĩa là mọi người vui vẻ ăn uống chuyện trò thì ở Nhật, họ sẽ vừa ăn Pizza vừa làm việc.

Nếu một công ty Nhật không có làm thêm giờ có nghĩa là bạn không cần làm việc tại công ty, nhưng có thể đem máy tính về nhà và tiếp tục công việc bỏ dở.

Thật ra tôi thấy cảm kích trước tinh thần trách nhiệm của người Nhật trước công việc. Nhưng nếu đã có một chế độ để cân bằng công việc và cuộc sống, tôi nghĩ họ cũng nên tận dụng.

Sachiko

Nhân viên tập đoàn quảng cáo hàng đầu Nhật Bản tự tử vì phải làm thêm giờ khiến dư luận rúng động

Nhật Bản: Bị hành khách phàn nàn vì tàu tới muộn, nhân viên sân ga nhảy xuống đường ray tự tử

Người Nhật Bản làm gì vào 1 tiếng nghỉ trưa?

Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: