Cảnh báo mức độ thỏa mãn với công việc cực kì thấp ở Nhật so với thế giới

So với các quốc gia khác, mức độ thỏa mãn với công việc tại Nhật vào mức thấp nhất thế giới. Làm thế nào để cải thiện sự hài lòng của bản thân trong công việc, vẫn còn là một câu hỏi khó trả lời !

Yếu tố quan trọng để một nhân viên tiếp tục công việc và gắn bó với công ty chính là sự hài lòng đối với công việc và môi trường của mình. Chính bởi hài lòng, họ mới có thể cảm nhận được sự ổn định và cố gắng hết mình để cống hiến cho công ty ấy. Tuy nhiên, theo nhiều nghiên cứu gần đây, nước Nhật lại là quốc gia nơi mà mức độ thỏa mãn này rất thấp. Theo kết quả khảo sát của ISSP –

International Social Survey Programme (Chương trình khảo sát xã hội quốc tế ) năm 2005, Nhật Bản đứng thứ 28 từ dưới lên trong tổng số 32 quốc gia về mức độ hài lòng với công việc hiện tại.

Tại sao tỉ lệ này lại thấp đến vậy?

Gần đây, các doanh nghiệp có những chính sách rất đa dạng xung quanh việc tăng mức độ thỏa mãn với công việc của nhân viên. Bằng cách thực hiện đầy đủ các chế độ liên quan đến ngày nghỉ phép (đối với nữ có chế độ thai sản, chăm sóc con cái,… mọi nhân viên được nghỉ phép đau ốm và một số ngày nghỉ có lương khác được quy định theo Luật). Đồng thời thực hiện chế độ giờ làm linh động, Telework,…Thế nhưng liệu những nỗ lực này có thực sự nâng cao mức độ thỏa mãn của nhân viên công ty đối với công việc?

Để tìm ra giải pháp thỏa đáng, trước tiên phải tìm hiểu vào nguyên nhân, cốt lõi của vấn đề.

Theo ông Maekawa, người hỗ trợ nhân sự cho rất nhiều công ty ở Nhật cho hay:

So với nhiều năm trước, tình trạng làm thêm giờ đã giảm nhiều. Nhưng ngược lại, nhân viên không cảm thấy mức độ cạnh tranh tại công ty như trước. Cho dù họ muốn cố gắng ở lại, họ vẫn bị ép phải ra về. Hoặc theo lời một nhân viên nữ, cô từng có một thời gian giảm bớt số giờ làm tại văn phòng để chăm sóc con cái. Nhưng khi quay lại làm việc bình thường, họ yêu cầu cô làm một công việc hỗ trợ, cô cảm thấy như bị coi thường”.

Theo cách của người Nhật, công ty sẽ phát triển dựa trên tính cạnh tranh của nhân viên. Họ phải đặt mục tiêu cao, tìm cho mình những đối thủ xứng tầm, từng bước một lập ra kế hoạch để đánh bại đối thủ, sau đó lại hướng tới một tầm cao hơn. Cứ như thế, nhân viên nhận được những lời bình phẩm tốt từ sếp, đồng thời lương cũng sẽ cao hơn. Đó chính là cách một công ty Nhật điển hình tạo động lực cho nhân viên của mình.

Tại một số quốc gia, cụ thể là Việt Nam, người lao động có xu hướng tìm kiếm một công ty danh tiếng, họ không muốn quá nhiều thử thách. Đó là một nơi làm việc khiến không chỉ họ mà cả vợ, con, gia đình của họ cũng sẽ cảm thấy yên tâm nếu được làm việc tại đó. Thế nhưng với tâm lý đứng núi này trông núi nọ, người lao động dễ bị lung lay khi vòng an toàn bị phá vỡ và họ phải đối mặt với quá nhiều vấn đề. Đó là lý do họ thường xuyên nhảy việc.

Có lẽ vì thế người Nhật thường xuyên cảm thấy khó chịu với công việc họ làm bởi họ phải đối mặt với quá nhiều áp lực, vì họ ít khi muốn bỏ ngang giữa chừng.

Theo ông Maekawa, đây là những sự khác nhau cơ bản giữa một môi trường thỏa mãn cao và một môi trường thỏa mãn thấp.

Môi trường thỏa mãn cao là nơi mà mức độ quan tâm lẫn nhau của các thành viên trong công ty cao. Lúc nào cũng nghe được những lời chào hỏi, tiếng cười tự nhiên của mọi người. Là một môi trường làm việc hết sức sinh động, nơi mọi người giúp đỡ lẫn nhau để cùng tiến lên.

Ngược lại, môi trường có mức thỏa mãn thấp là nơi tất cả mọi người cùng làm việc, nhưng không có sự liên kết giữa các thành viên. Tại nơi đó, sự bất bình giữa cấp trên cấp dưới, giữa các đồng nghiệp thường xuyên xảy ra.

Nhân viên thường xuất hiện những suy nghĩ kiểu như “Tại sao chỉ khen người đó ?”, “Lẽ ra không nên giao việc cho người đó ?”, “Anh/Cô ấy phát triển nhanh quá, tôi chẳng thể nào bì lại”. Những lời phàn nàn về công ty ngày càng gia tăng.

Bên cạnh đó mức độ thỏa mãn cũng tỉ lệ thuận với sự phát triển của công ty.

Mối quan hệ giữa mức độ thỏa mãn và ý chí làm việc

Theo ông Maekawa, ý chí làm việc, đam mê với công việc  働きがい (Hatarakigai) là cảm giác hạnh phúc khi làm được việc có ích cho người khác, là khiến những người khác cảm kích vì những gì mình đã làm. Ngoài ra Hatarakigai còn được hiểu là cảm giác thất vọng khi thất bại, và cảm giác vui mừng khi có thể cùng với đồng nghiệp đạt được thành công trong một dự án.

Thế nhưng đa phần người Nhật bây giờ làm việc vì trách nhiệm nhiều hơn là đam mê. Họ nhận một công việc, và sẽ cố gắng hoàn tất công việc trong thời gian cho phép. Một khi đã làm việc, họ sẽ cố gắng hết sức để gắn bó với công việc đến phút cuối.

Với cách làm việc như vậy, khó tìm thấy đam mê trong những việc mình làm, do đó sự thỏa mãn với công việc đương nhiên cũng đi xuống.

Những yếu tố nào tác động đến mức độ thỏa mãn trong công việc

Thỏa mãn đến từ nhiều yếu tố. Bạn có thỏa mãn với sếp của bạn, với đồng nghiệp của bạn, với mức lương của bạn. Công việc của bạn trở nên dễ dàng hay khó khăn hơn một phần cũng bị tác động bởi những yếu tố này.

Ở các quốc gia khác, làm cho công việc dễ dàng hơn sẽ dẫn tới mức độ thỏa mãn giành cho công việc tăng lên.

Thế nhưng ở Nhật, việc làm cho công việc dễ dàng hơn có thể ngăn nhân viên cảm thấy không hài lòng với công việc, thế nhưng chưa chắn đã làm tăng mức độ hài lòng của nhân viên.

Cụ thể, như đã nói ở trên, công việc dễ dàng, giờ làm giảm xuống, số ngày nghỉ tăng lên, làm việc linh hoạt,… nhân viên cảm thấy hài lòng. Nhưng một khi đã hài lòng, cảm giác muốn làm việc đôi khi cũng vì thế mà giảm xuống.

Những quy tắc gắt gao trong công sở có thể khiến mức độ thỏa mãn của bạn giảm xuống, nhưng đồng thời cũng rèn luyện cho bạn cách chịu đựng áp lực.

Ví dụ, sếp thường xuyên giao cho bạn những công việc không nằm trong trọng trách của bạn, thậm chí buộc bạn phải đi làm vào ngày nghỉ. Theo lẽ thông thường, tất nhiên bạn cảm thấy bực mình. Thế nhưng bên cạnh mặt xấu cũng có mặt tốt, ví dụ như bạn có thêm cơ hội để thử thách mình trong những lĩnh vực bạn chưa làm bao giờ.

Cái gì cũng có 2 mặt của nó, kể cả vấn đề thỏa mãn trong công việc.

Sự thật là người Nhật rất ít khi thỏa mãn với những gì mình làm được. Chính vì thế họ hiếm khi hài lòng với công việc. Cuộc sống như thế căng thẳng và áp lực, đương nhiên không có lợi cho sức khỏe của bạn.

Thế nhưng thường xuyên hài lòng với công việc cũng không phải là một ý tưởng hay. Hài lòng sinh chủ quan, chủ quan sinh lười biếng, ỷ lại.

Ở đây không bàn tới môi trường nào sẽ tốt hơn, tất cả phụ thuộc vào nhu cầu của bạn mà thôi.

Tại môi trường nào cũng có những lúc bạn cảm thấy tức giận, bất bình với những yếu tố xung quanh và cả chính bản thân mình. Thế nhưng nếu mọi thứ không thể thay đổi, hãy cố điều chỉnh những suy nghĩ của mình trước. Tất nhiên việc bạn phù hợp với môi trường nào cũng do suy nghĩ và tính cách của bạn nữa.

Vì thế trước khi làm một công việc gì, hãy tự hỏi bản thân muốn gì rồi hãy quyết định nhé.

Sachiko

Mâu thuẫn khó giải thích trong định nghĩa “đúng giờ” của người Nhật.

Triết lý làm việc của người Nhật giúp trị bệnh em tưởng

Đừng bỏ đi khi bạn thấy áp lực, hãy bỏ đi khi nơi đó không còn gì cho bạn học nữa !

Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: