Ninomiya Sontoku: một biểu tượng về sự chăm chỉ của người Nhật

Ngay lối đi vào một số trường ở Nhật, người ta sẽ nhìn thấy một bức tượng, cậu bé mang một bó củi trên lưng, mặt vẫn cặm cụi vào cuốn sách mở. Rất chăm chú, đó chính là chân dung Ninomiya Sontoku – Nhà triết học, nhà tư tưởng, nhà quản lý và nhà nông học đáng kính trọng của Nhật Bản.

Sinh năm 1797, ở một vùng nông thôn nghèo khổ Kayama, quận Ashigarakami, nước Sagami (nay là thành phố Odawara, tỉnh Kanagawa).

Tuổi thơ của Ninomiya không được may mắn khi bố mẹ qua đời sớm. Cậu bé khi ấy thường được gọi là Kinjiro phải làm việc quần quật từ sáng đến tối trong quãng thời gian ở nhờ nhà chú.

Nhà chú có rất nhiều sách, nhưng Kinjiro không được phép đọc vì phải làm việc, kể cả buổi tối vì ảnh hưởng đến tiền dầu đèn, việc đến trường của cậu bé lại càng xa xỉ.

Thế nên, cậu bé Kinjiro phải vừa làm việc, vừa đọc sách. Ngày ngày lên rừng kiếm củi hay khi làm việc ngoài đồng, cậu đều tranh thủ học.

Với sự thông minh và kiên trì, năm 20 tuổi, ông đã xây dựng một cơ sở trang trại cho riêng mình.

Năm 22 tuổi, ông cho người trong làng thuê lại ruộng đất và tự quản lý, ngoài ra ông có thời gian để đọc sách và tìm hiểu các lĩnh vực khác.

Những người trong làng đều học tập ông cùng phát triển nông nghiệp, ngôi làng ông trở nên giàu có và trù phú. Cũng trong thời gian đó, lãnh chúa Odawara là Hattori Jubei đã nhờ ông giúp đỡ vì làng lãnh chú cai trị đang lâm cảnh nợ nần.

Tin lành đồn xa, nhiều vị lãnh chúa khác tìm đến ông, Ninomiya Sontoku đích thân hướng dẫn việc trồng trọt trên những mảnh đất hoang và chỉ cho những người nông dân thói quen sống giản dị, tiết kiệm.

Dần dần những người nghe theo Ninomiya Sontoku nhiều lên và cuối cùng kinh tế lãnh địa hồi phục. Cứ thế, Ninomiya Sontoku đi khắp nơi khôi phục kinh tế của hơn 600 thôn làng ở khu vực xung quanh.

Kinjiro trở nên nổi tiếng trên toàn nước Nhật và trở thành biểu tượng của sự siêng năng, chăm chỉ.

Những năm cuối đời, chính quyền Mạc Phủ mời ông vào thành Edo làm việc. Từ một nông dân chân lấm tay bùn, ông trang trọng trong lễ phục Kamisimo– trang phục của Samurai, sánh vai với các lãnh chúa.

Mỗi khi ông vào cung yết kiến Tướng quân, người ta hết lời ca ngợi: “Giọng nói to lớn, phong thái đĩnh đạc chẳng khác gì quý tộc bẩm sinh. Nhìn ông ai cũng ngỡ là một vị lãnh chúa.”

Ninomiya Sontoku qua đời năm 1856 nhưng câu chuyện về ông vẫn còn tiếp tục. Năm 1937, một bức tượng đồng tạc Ninomiya Sontoku được dựng trong một trường tiểu học nhân dịp kỷ niệm lần thứ 150 ngày sinh của ông.

Có thể nói, Ninomiya Sontoku là biểu tượng cho sự siêng năng chăm chỉ không mệt mỏi, là bằng chứng cho sự nỗ lực từng chút để hoàn thiện nhân cách. Một tấm gương đáng cho thế hệ trẻ Nhật nói riêng và thế giới nói chung.

Tham khảo: wikipedia

TZ

Biểu tượng gợi cảm Nhật Bản lần đầu khoe đường cong bốc lửa trên Playboy

60 biểu tượng đáng yêu có thể biến mất, và trở lại trong giây lát

Masashi Matsuda: có một tượng đài trong lòng người ở lại

Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: