6 điều khiến người nước ngoài bối rối khi làm việc trong công ty Nhật

Rất nhiều bạn học tiếng Nhật muốn tìm kiếm việc làm trong các công ty Nhật. Thế nhưng hiểu và sử dụng được ngôn ngữ mới chỉ là điều kiện cần để các bạn có thể hoà nhập môi trường công ty. Để có thể thích ứng và phát triển, bạn cần hiểu và làm theo văn hoá công ty. Đôi khi đó là những quy định rõ ràng, tuy nhiên thỉnh thoảng đó là các quy tắc mà bạn phải ngầm hiểu.

Dưới đây là 6 điều người nước ngoài cảm thấy bối rối khi bắt đầu làm việc tại công ty Nhật bạn cần biết để hạn chế shock văn hoá cũng như cư xử sai.

1. Sắp xếp văn phòng mở

Đa số các văn phòng ở Nhật sắp xếp theo kiểu mở, có nghĩa là nhân viên các phòng ban làm việc trong cùng một căn phòng.

Cách sắp xếp như thế này có bất lợi là dễ gây xao nhãng. Bạn sẽ cảm thấy khó tập trung vì cảm giác có ai đó đang theo dõi bạn làm việc, hoặc khi tiếng gõ bàn phím máy tính quá to. Không gian như vậy cũng rất thiếu tính cá nhân và gây căng thẳng cho nhân viên.

Ảnh gigazine.net

Tuy nhiên đây lại là không gian phù hợp cho hoạt động nhóm và hoạt động giám sát. Chỉ với một cái liếc mắt, sếp có thể biết được ai đang làm việc. Ngoài ra, với áp lực cao như vậy buộc bạn phải chú tâm đến công việc nếu không muốn bị đánh giá thấp.

Tất nhiên không phải công ty Nhật nào cũng sắp xếp văn phòng mở, tuy nhiên rất nhiều nhân viên Nhật Bản đã quen với việc làm việc cạnh nhau trong cùng bàn và chịu giám sát từ cấp trên. Điều đó tượng trưng cho văn hoá hợp tác, làm việc tập thể của người Nhật.

2. Tiệc uống ngoài giờ bắt buộc

Nomikai là bữa tiệc uống giữa các nhân viên trong công ty ngoài giờ làm việc. Trong văn hoá phương Tây cũng có những bữa tiệc như thế này, tuy vậy không bắt buộc nhân viên phải tham dự. Sở dĩ vì ở nước ngoài, người ta rất rạch ròi giữa con người xã hội và con người cá nhân. Sau khi thể hiện tốt trong giờ làm việc, họ cần thời gian nghỉ ngơi và làm những chuyện riêng tư. Dù quan hệ với đồng nghiệp có tốt đến đâu, họ cũng muốn dành thời gian ngoài công việc cho gia đình.

Ảnh Yahoo!ニュース – Yahoo! JAPAN

Thế nhưng theo quan niệm của người Nhật, Nomikai là dịp để gắn kết nhân viên trong công ty, là cơ hội để người đi trước có thể thân thiết với người tới sau, từ đó xây dựng mối quan hệ gắn kết thân thiết ngoài công việc, hướng tới một môi trường làm việc định hướng lâu dài và ổn định. Tuy nhiên cách nghĩ này cũng đang dần thay đổi trong giới trẻ Nhật Bản.

3. Du lịch công ty

Một cô vợ Nhật nghe chồng thông báo sẽ đi công tác 3 ngày, nhưng thực ra anh chồng này chỉ đi đánh golf với sếp mà thôi.

Ảnh 株式会社システムズサービス

Rất nhiều người nước ngoài không thực sự hiểu ý nghĩa của những chuyến du lịch công ty theo kiểu doanh nghiệp Nhật Bản. Ý nghĩa của những chuyến du lịch này thường là để khuyến khích tăng hiệu suất công việc hoặc thưởng cho nhân viên vì đã làm việc chăm chỉ. Thế nhưng nhiều người nước ngoài cho rằng tặng thêm ngày nghỉ hoặc tăng lương thưởng sẽ hiệu quả với mục đích ban đầu hơn du lịch công ty. Vì khi đi du lịch kiểu công ty, họ không thực sự thư giãn. Rất nhiều người bị buộc phải đi vì tất cả mọi người đều đi chứ không phải vì muốn đi, cũng tương tự với Nomikai đã đề cập ở trên.

4. Quá tập trung vào hình thức

Nhật Bản là quốc gia xem trọng hình thức, tất nhiên khi đi làm bạn buộc phải ăn mặc tươm tất, chỉnh chu, đó là chuyện không cần bàn cãi. Tuy nhiên hình thức được đánh giá ở một đẳng cấp khác tại quốc gia này. Ngay cả khi đi xin việc, từ trang phục, kiểu tóc, túi xách, tất cả đều đã được quyết định.

Ảnh gazoit.com

Grace, người nước ngoài từng có kinh nghiệm trượt phỏng vấn chỉ vì đôi giày không phù hợp. Tất cả mọi chuyện đều suôn sẻ cho đến khi người phỏng vấn tuyên bố lý do đánh rớt ứng viên vì đôi giày. Hiện tại cô đang là phóng viên nước ngoài cho một chương trình truyền hình Nhật, voice actor và writer freelancer. Một lần khi tham gia diễn thuyết tại hội thảo về SEO, khi đặt câu hỏi “Còn ai có câu hỏi gì không?”, cô nhận lại nhiều lời bình phẩm rằng “cô rất đáng yêu”. Grace không xem đó là lời khen mà là một sự giễu cợt vì cô đang ở trong không gian rất nghiêm túc.

5. Làm việc ngoài giờ

Đây là vấn đề muôn thuở của các doanh nghiệp Nhật Bản. Dù số giờ làm thêm của nhân viên Nhật Bản đang giảm dần thế nhưng vẫn được tính là khá cao so với các quốc gia phát triển. Vấn đề không nằm ở việc nhân viên có quá nhiều việc phải làm đến mức cần overtime mà vì tâm lý không muốn là người đầu tiên rời khỏi công ty, hoặc đi về trước sếp.

Ảnh 転職サファリ

Chồng của Grace làm việc tới tối mịt và chỉ ở nhà 4 tiếng đồng hồ. Khi được hỏi tại sao ra trễ, anh trả lời rằng dù 5 giờ là hết giờ làm việc, anh không thể về nhà vì sếp vẫn còn ngồi đó.

6. Chế độ làm việc trọn đời và lòng trung thành

Chế độ làm việc tạm thời đã từng là nét văn hoá doanh nghiệp đặc trưng ở Nhật, tuy nhiên gần đây khi xét về tính ổn định của các doanh nghiệp Nhật trong nền kinh tế chuyển biến phức tạp, chế độ này đang được nhìn nhận lại. Dù vậy không tránh khỏi những ảnh hưởng lâu đời của nó trên quan niệm, tư tưởng người dân Nhật Bản.

Người Nhật vẫn còn tin tưởng vào những lợi ích khi làm việc lâu dài cho một công ty, đồng thời họ cho rằng đổi việc đi liền với rất nhiều hạn chế và tiêu cực. Ở Mỹ và châu Âu, nhảy việc không phải hình ảnh xấu, điều đó chứng tỏ bạn đang muốn được tăng lương và phát triển hơn nữa trong công việc. Thế nhưng ở Nhật, nhiều người sẽ cho rằng người nhảy việc là kẻ yếu đuối, là một tên phản bội.

Nhật Bản đang cân nhắc đến những cải cách trong phong cách làm việc, tuy nhiên nếu bạn muốn làm việc tại công ty Nhật, bạn cần phải thấu hiểu và điều chỉnh bản thân để thích ứng, đừng chờ đợi doanh nghiệp thích ứng theo nhu cầu của bạn. Quy tắc này cũng đúng với mọi môi trường làm việc.

Tham khảo Madameriri

Sacchan

Đằng sau một thiên tài là ông bố của thời đại – chỉ một khoá học, ông bố dạy cho cậu con trai tiểu học toàn bộ bí kíp kiếm tiền

Coolbiz – Chiến dịch ăn mặc mát mẻ dành cho dân văn phòng để bảo vệ môi trường

Hoài niệm với không gian cổ kính của quán rượu Izakaya thuẩn Nhật cổ nhất xứ Phù Tang

 

Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: